Cơ sở hạ tầng xanh - giải pháp hạn chế ô nhiễm nguồn nước

Hạ tầng xanh
Từ Mỹ đến Thụy Điển, các chính quyền thành phố và khu vực đang áp dụng mô hình “các khu vườn trên mái nhà” và nhiều hình thức khác gọi chung là mô hình “cơ sở hạ tầng xanh” nhằm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Eo biển Puget của thành phố Seattle, một trong những cửa sông lớn của Mỹ, là nơi sinh sống của cá voi sát thủ, hải cẩu và nhiều loài cá khác. Tuy nhiên, khu vực này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do khi trời mưa, nước mưa đổ vào hệ thống cống ngầm chứa nước thải của thành phố và đổ ra biển hàng tỉ lít nước bẩn chứa chất thải của động cơ, hóa chất, PCB, kim loại nặng, chất thải vật nuôi... Các mẫu nước lấy từ lỗ phun nước của cá voi cho thấy nấm, vi-rút và vi khuẩn sống trong hệ hô hấp của chúng và nhiều loài cá hồi cũng đã chết vì nguồn nước bị nhiễm bẩn.
Để giảm bớt tình trạng ô nhiễm, chính quyền Seattle đã tìm đến giải pháp hạn chế dòng chảy của nước mưa xuống biển gọi là mô hình “cơ sở hạ tầng xanh”, vốn có vai trò quan trọng trong quá trình làm sạch nước tự nhiên và lưu trữ nước. Đó là mô hình áp dụng các quá trình tự nhiên của cây cối và các thảm thực vật khác – còn gọi là hệ sinh thái – vào các công trình xây dựng. Mô hình này có tác dụng ngăn chặn dòng nước mưa tràn ra đường phố gây ô nhiễm, lưu trữ nó vào một nơi nào đó, trước khi nước được rút dần dần thông qua quá trình thẩm thấu xuống đất hoặc bốc hơi. Trong khi đó, cây cối cũng sẽ làm sạch nước bẩn thông qua chức năng lọc của nó.
Seattle là một trong những thành phố sớm áp dụng mô hình “cơ sở hạ tầng xanh”. Chẳng hạn, thành phố đã yêu cầu người dân lắp đặt những “khu vườn mưa” – trồng các loài cây bản địa trong hỗn hợp đất đặc biệt, một mô hình được thiết kế nhằm giữ nước và cho phép nước thấm vào lòng đất. Những khu vườn này (giá khoảng 3.000-4.000 USD) giống như những tấm xốp lớn giúp giữ cho nước không chảy ra đường và lề đường, cuốn theo bùn và chất ô nhiễm đổ ra sông. Chính quyền thành phố Seattle cũng đang kêu gọi người dân không dùng máng xối hứng nước nữa mà cho nước chảy trực tiếp từ mái nhà xuống những khu vườn hay bãi cỏ hoặc lưu trữ nó trong các bể chứa hay các vật dụng khác. Ngoài Seattle, khu vực Puget Sound ở thành phố Coupeville (tiểu bang Washington) cũng đang tiến hành thử nghiệm mô hình sử dụng cây cối và một số loài thực vật khác để làm sạch nước, được biết đến như công nghệ thực vật xử lý môi trường (Phytoremediation). Trong khi đó, thành phố Edmonston (tiểu bang Maryland) cũng sử dụng các “khu vườn mưa” dọc theo con đường chính Decatur để ngăn 62% lượng nước mưa đổ về sông Anacostia và tận dụng các vỉa hè để làm trệch hướng 28% lượng nước mưa khác.
Không chỉ ngăn ô nhiễm nguồn nước một cách hiệu quả và ít tốn kém, mô hình “cơ sở hạ tầng xanh” còn được nhiều nhà quản lý đô thị và chuyên gia môi trường đánh giá là mang lại nhiều lợi ích khác. “Trồng thêm cây xanh vừa giúp làm giảm nhiệt độ ở những khu vực nóng vừa giúp cải thiện chất lượng không khí và hấp thụ các chất gây ô nhiễm” – ông Katherine Baer, thành viên Tổ chức Sông ngòi Mỹ, nêu ví dụ.
Ngoài Mỹ, nhiều nước khác ở châu Âu cũng đang đầu tư cho các mô hình “cơ sở hạ tầng xanh” từ “khu vườn xanh trên mái nhà” đến “mạng lưới cây trồng lọc chất bẩn” để hạn chế ô nhiễm. Chẳng hạn thành phố Stuttgart ở Đức, nơi thấy rõ tác động của hiệu ứng nắng nóng kết hợp với không khí ô nhiễm trong mùa hè, đã phân tích các kiểu thời tiết và tiến hành một kế hoạch nhằm khôi phục luồng gió nhằm mang lại bầu không khí trong lành cho thành phố. Điều đó có nghĩa là kế hoạch này hạn chế xây dựng các cao ốc vốn cản trở luồng khí sạch, bảo vệ không gian xanh hiện có và tạo ra những khu vực thông thoáng cho thành phố. Trong khi đó, tại thị trấn Enkoping ở miền Trung Thụy Điển, người ta bơm chất thải, vốn chứa nhiều nitrogen, vào một vườn liễu - loại cây dùng sản xuất nhiên liệu sinh học, rộng khoảng 76 ha để lọc các chất ô nhiễm.
Theo các chuyên gia, mô hình “cơ sở hạ tầng xanh” chắc chắn sẽ phát triển, không chỉ ở Mỹ, Đức, Thụy Điển mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
TRÍ VĂN (Theo CS Monitor)


Share on Google Plus

About arcontek

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment